Tìm kiếm
Tìm kiếm
Cà na xí muội OCOP

Từ loại trái cây dân dã, cà na được nghiên cứu thành sản phẩm mới, không chỉ ngon lạ, mà còn vươn tầm sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Cà na xí muội truyền tải câu chuyện gần gũi về món quà vặt ở xứ Hiệp Xương đến nhiều tiêu dùng một cách mới mẻ và thú vị.

Khắp tỉnh An Giang, nơi đâu cũng có trái cà na. Nhiều gia đình còn trồng cây cà na làm “cây kinh tế” vì có thể thu hoạch liên tục, quanh năm. Mấy chục năm trước, vùng quê Hiệp Xương (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cũng có rất nhiều cà na mọc tự nhiên. Hầu như chẳng ai để ý đến chúng, trừ mùa nước nổi, người lớn chế biến cà na đập, ngào đường… cho tụi trẻ con ăn chơi.

Bây giờ, cà na “có giá” lắm nghen, được điểm danh trong số món đặc sản của miền Tây và khách hàng cả nước chuộng tìm mua. Thấy được nhu cầu đó, bên cạnh món cà na đập và cà na ngào đường, anh Nguyễn Phước Trung nghiên cứu thành công món cà na xí muội, tiếp cận thị trường khoảng 3 năm nay.

Cà na lựa những trái tròn đều, thịt dày đem rửa sạch, khứa dọc nhiều đường trên thân trái rồi ép sạch nước chua chát; đem sên với đường, muối. Khác với cà na ngào đường, cà na xí muội có vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, nhai dẻo cho cảm giác ngon lạ.

1kg cà na tươi sẽ làm được khoảng 0,5kg cà na xí muội. Những ngày nắng tốt, phơi từ 1 ngày đến 1 ngày rưỡi thì đạt độ dẻo dai, trái cà na khô ráo và giữ mùi thơm hấp dẫn đặc trưng, không lẫn vào đâu được.

Thành phẩm đến tay người tiêu dùng với quy cách đóng gói chỉn chu, dán nhãn, hút chân không giúp bảo quản tốt hơn. Sau 3 năm được thị trường đón nhận, cà na xí muội Nguyễn Trung đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP “3 sao”.

Viết tiếp hành trình này, anh Trung dự định sẽ đầu tư thêm máy sấy để không lệ thuộc vào thời tiết. Ngoài phiên bản chua ngọt hiện tại, anh đang thử nghiệm thêm cà na xí muội vị chua cay, thêm sự lựa chọn cho khách hàng khi thưởng thức món ăn chơi này./.

Mỹ Hạnh