Cụ thể, đối với các sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia” năm 2020, gồm có: Sản phẩm gạo của Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Thoại Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời), bao gồm: Sản phẩm Gạo thơm đặc sản Thiên Vương, đạt 91,14 điểm; Sản phẩm Gạo ngon tiến vua Tiên Nữ, đạt 91,14 điểm.
Đối với các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao và công bố sản phẩm OCOP 5 sao: Được sử dụng biểu trưng và tem OCOP cấp Quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu, quảng bá sản phẩm theo quy định; Kết quả phân hạng sản phẩm có giá trị 36 tháng, kể từ ngày được công nhận.
Đối với sản phẩm chưa đạt sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (do chưa đáp ứng một số yêu cầu về một số tiêu chí cần đạt tối thiểu theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm 03 sản phẩm: Sản phẩm Gạo mầm Vibigaba thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Thoại Sơn; Sản phẩm: Đường thốt nốt sệt Palmania và Đường thốt nốt bột Palmania thuộc Công ty Cổ phẩn Palmania.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia năm 2020 và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện một số nội dung như sau:
Quan tâm, hỗ trợ 02 sản phẩm là Gạo thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon tiến vua Tiên Nữ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, tập trung các giải pháp về tổ chức sản xuất và thúc đẩy thị trường để có sự ổn định và bền vững. Đồng thời, giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan ưu tiên hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại; sử dụng sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động ngoại giao, các sự kiện của tỉnh An Giang;
Đối với những sản phẩm chưa đạt OCOP 5 sao: Giao UBND huyện Tri Tôn và Thoại Sơn tổ chức rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ theo những nội dung được Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nhận xét và đề xuất Hội đồng OCOP cấp tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 sao trở lên) theo thẩm quyền được phân cấp. Đồng thời, có kế hoạch và giải pháp cụ thể hỗ trợ các sản phẩm nâng chất để tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, xem xét các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng sản phẩm của tỉnh (từ 3 sao trở lên) đảm bảo tuân thủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là về các lĩnh vực: Quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường./.
Hải Nhu