Tìm kiếm
Tìm kiếm
An Giang công nhận 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong khuôn khổ khai mạc “Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021” diễn ra tại tại thành phố Châu Đốc tối ngày 22/4, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Theo đó, công nhận 12 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể đạt 3 sao gồm: Nước khoáng thiên nhiên SM (Seven Mountains) của Công ty Cổ phần nước khoáng SM, Cà na muối của hộ kinh doanh Hòa Kiều đến từ huyện Tịnh Biên; Mắm chao Cá Mè Vinh ông Ba Lộc của hộ kinh doanh Ba Lộc, thị xã Tân Châu; Atiso đỏ sấy dẻo của hộ kinh doanh Cơ sở Sản xuất – Kinh doanh Bảo Trang, huyện Thoại Sơn; xoài keo của Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình, khô bò (giòn) của hộ kinh doanh Phú Vinh, huyện An Phú.

Responsive image

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm Ocop đạt 3 sao (đợt 1) năm 2021

Bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của Công ty TNHH MTV Vườn Ba Ba, huyện Châu Phú; chuối sấy, mít sấy của Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo, huyện Châu Phú. Nước cốt dâu tằm,  siro Atiso đỏ của hộ kinh doanh Ngọc Thái, huyện Phú Tân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Năm 2021 An Giang phấn đấu có thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và có 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang: Đến hết ngày 22/4, An Giang có 5 sản phẩm đề xuất 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP An Giang ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Các chủ thể kinh tế tham gia cuộc thi ngày càng chú trọng hơn trong các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng.

Kết quả này là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

An Giang cũng đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là các địa phương có xã điểm nằm trong lộ trình thực hiện xã nông thôn mới nâng cao có ít nhất 2 chủ thể tham gia Đề án OCOP trong năm 2021. Trong đó, mỗi chủ thể có ít nhất 1 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh; phấn đấu có ít nhất 80% sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.

Hiện UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo các Sở, ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ các chủ thề kinh tế có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm… Hỗ trợ tư vấn cho các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP trong việc xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến bán sản phẩm OCOP tại các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh; tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại…/.

Quang Minh