Chị Chau Ngọc Dịu
Hàng trăm năm qua, người Khmer An Giang đã trồng cây thốt nốt (người địa phương gọi là “thốt lốt”) và khai thác những lợi ích từ loài cây này. Đặc biệt, nghề nấu mật hoa thốt nốt thành đường đã làm nên đặc sản đường thốt nốt trứ danh cho vùng đất biên giới. Hiện nay, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có khoảng 70.000 cây thốt nốt, mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường.
Tuy nhiên, là người sinh ra và lớn lên ở đây, chị Chau Ngọc Dịu (sinh năm 1982) luôn trăn trở với nghề truyền thống của bà con. Bởi, ngày nay chẳng mấy ai nấu đường thốt nốt theo phương pháp tự nhiên như ngày xưa, mà trộn thêm ít nhiều phụ gia làm mất đi độ thơm ngon và chất lượng của đường thốt nốt.
Từ đó, mật thốt nốt Palmania đã ra đời. Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn để triển khai ý tưởng và sản xuất được sản phẩm ưng ý. Song, với sự kiên định và nỗ lực, sau hai năm tìm tòi và thử nghiệm, sản phẩm mật thốt nốt đã hoàn thiện. Đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không phụ gia, không sử dụng phương pháp li tâm tách mật. Mật thốt nốt thành phẩm có hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh và béo, tan thật nhanh trong miệng.
Người dân lấy nước thốt nốt
Các khâu sản xuất mật thốt nốt theo phương pháp truyền thống rất nghiêm ngặt. Người lấy mật phải leo lên cây thốt nốt để lấy từ sáng sớm, tránh để mật bị chua. Sau đó, thợ nấu mật sử dụng gỗ sến để hạn chế sự lên men của mật thốt nốt. Tất cả các công đoạn mất khoảng 8 tiếng.
Nói về quy trình sản xuất, chị Dịu chia sẻ: “Nước thốt nốt sau khi được lấy từ trên cây xuống sẽ được người nông dân sơ chế thành đường sệt. Công ty yêu cầu quy trình lấy nước thốt nốt không sử dụng chất tẩy, hoá chất, phải sử dụng gỗ cây sến ức chế nước thốt nốt lên men. Sau đó được công ty đưa vào xưởng sản xuất.”
Sản phẩm mật thốt nốt
Về hình thức, sản phẩm được thiết kế trong bao bì đẹp mắt và sang trọng, có đầy đủ thông tin về nguyên liệu, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng… Qua đó, Palmania hướng đến phân khúc khách hàng có thu nhập cao và quan tâm đến các sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Có thể nói, Palmania đã nâng cao giá trị cho sản phẩm thốt nốt, đồng thời xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng về đặc sản quê hương.
Tâm nguyện của chị Dịu không chỉ là nâng tầm sản phẩm mật thốt nốt của quê hương, mà còn góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng Khmer An Giang, giúp họ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, sản xuất an toàn gắn với phát triển kinh tế bản địa, đồng thời gia tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Ở trị trường trong nước, mật thốt nốt Palmania đã có mặt trên 37 điểm bán ở 12 tỉnh thành, Trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mật thốt nốt đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ở thị trường nước ngoài, sản phẩm có những đơn hành đầu tiên xuất sang Anh, Hà Lan, Phần Lan…
Chị Chau Ngọc Dịu tại lễ tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh An Giang 2019-2022
Đặc biệt hơn, mật thốt nốt Palmania còn mang về nhiều giải thưởng đáng tự hào như Great Taste Awards 2 sao, Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang 2020, Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel 2020, Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2020, Top 60 Techfest 2020, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh An Giang 2019-2022; …
Từ loài cây biểu trưng của vùng biên giới An Giang, cô gái Khmer Chau Ngọc Dịu đã chắt lọc những tinh hoa để sáng tạo các sản phẩm mang hương vị quê hương, giới thiệu đến thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Đó là một hành trình gian nan, thể hiện sức bền bỉ, nhưng cũng không kém phần tự hào./.
Yên Lương